Trung Tâm Nam Khoa
311 lượt xem

4 Bệnh Lây Truyền Qua Đường Tình Dục Thường Gặp: Triệu Chứng, Chẩn Đoán & Điều Trị

4 Bệnh Lây Truyền Qua Đường Tình Dục Thường Gặp: Triệu Chứng, Chẩn Đoán & Điều Trị

Khái niệm bệnh lây truyền đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là thuật ngữ chỉ những bệnh nhiễm trùng lây truyền chủ yếu thông qua hành vi quan hệ tình dục. Bao gồm cả 3 hình thức giao hợp: âm đạo, quan hệ bằng miệng hay hậu môn.

Triệu chứng của các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục ở cả 2 giới

Người bệnh có thể sống chung bệnh tình dục mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng một số bệnh STDs gây ra các triệu chứng rõ ràng.

Biểu hiện bệnh STDs ở nam và nữ không có nhiều sự khác biệt, đa phần các dấu hiệu này sẽ xuất hiện ở vùng sinh dục.

Triệu chứng của STDs ở nam giới:

  • Khó chịu, đau khi quan hệ tình dục hoặc đi tiểu.
  • Lở loét, có u sùi, phát ban trên hoặc xung quanh dương vật, tinh hoàn, hậu môn, miệng, mông, đùi.
  • Dương vật tiết dịch bất thường hoặc chảy máu
  • Tinh hoàn đau hoặc sưng.
  • Đối với nam giới quan hệ qua đường hậu môn có thể có biểu hiện đau rát, chảy máu vùng hậu môn.

Triệu chứng của STDs ở phụ nữ:

  • Khó chịu, đau khi quan hệ tình dục hoặc đi tiểu.
  • Lở loét, có nổi u hoặc phát ban trên hoặc xung quanh âm đạo, hậu môn, mông, đùi, miệng.
  • Âm đạo tiết dịch bất thường hoặc chảy máu
  • Ngứa trong hoặc xung quanh âm đạo.

4 bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp ở nam giới

Có rất nhiều bệnh lý lây truyền qua đường tình dục ở nam giới. Tuy nhiên, 4 bệnh thường gặp nhất là: Lậu, giang mai, mụn rộp sinh dục, sùi mào gà.

1. Lậu

Bệnh lậu là bệnh tình dục phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới. Bệnh này có thể gây ra nhiễm trùng ở cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và họng.

Chảy mủ lỗ tiểu là biểu hiện đặc trưng của người mắc bệnh lậu

Triệu chứng bệnh lậu:

Nhiễm lậu ở vùng sinh dục, cụ thể là viêm niệu đạo do lậu có thể gây ra triệu chứng rầm rộ, gây khó chịu và ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh.

  • Chảy mủ ở đầu lỗ tiểu, màu trắng đục, vàng hoặc hơi xanh.
  • Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường.
  • Tiểu đau, tiểu buốt.
  • Ngứa dọc đường tiểu và bộ phận sinh dục.

Chẩn đoán bệnh lậu:

  • Triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh lậu.
  • Phết dịch niệu đạo, soi dưới kính hiển vi thấy song cầu Gram (-) hình hạt cà phê.

Điều trị bệnh lậu:

Nguyên tắc điều trị: Điều trị sớm, đúng phác đồ, điều trị cho cả bạn tình. Kết hợp điều trị Chlamydia trachomatis.

Thuốc điều trị (CDC 2015):

  • Ceftriaxone 250 mg IM LDN + Azithromycin 1 g uống LDN
  • Hoặc Cefixime 400 mg uống LDN + Azithromycin 1 g uống LDN
  • Hoặc Gemifloxacin 320mg (uống) + Azithromycin 2g (uống) (Nếu dị ứng Penicilin)

Biến chứng nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể diễn tiến đến: Viêm bàng quang, viêm tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến. Nếu lây cho bạn tình có thể gây biến chứng nguy hiểm ở người nữ mắc lậu, thậm chí biến chứng vô sinh.

2. Giang mai:

Giang mai là bệnh gây ra bởi xoắn khuẩn giang mai, quan trọng thứ 2 sau HIV. Căn bệnh từng là ác mộng trên thế giới vì diễn tiến phức tạp, có giai đoạn tiềm ẩn hoàn toàn không có triệu chứng.

Vì thế, căn bệnh này có thể âm thầm lây lan từ người này sang người khác. Giang mai giai đoạn cuối gây ra những biến chứng khủng khiếp trên cơ thể, hệ thần kinh và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Giang mai có thể gây ra biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong

Triệu chứng bệnh giang mai:

Giang mai giai đoạn sớm:

  • Khởi đầu bằng săng giang mai ở bộ phận sinh dục, là vết trợt nông, hình tròn, có bờ nổi gồ lên hoặc lõm xuống, màu đỏ thịt tươi, không đau, không ngứa, không có mủ, nền cứng chắc. Bệnh nhân không cần điều trị cũng tự khỏi.
  • Kết thúc giai đoạn săng giang mai là lúc xoắn khuẩn giang mai lây lan khắp cơ thể. Lúc này cơ thể phát ban ngứa (ban đào), viêm hạch lan tỏa, nhức đầu về đêm, rụng tóc,…

Giang mai tiềm ẩn: Giai đoạn này hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng nghèo nàn, trở thành vật chủ mang bệnh và có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Giang mai gia đoạn muộn: Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập lên khắp cơ quan, hệ thần kinh và xương khắp cơ thể, gây ra biến chứng trầm trọng, hiện nay hiếm gặp.

Vào năm 1945, ca bệnh giang mai đầu tiên được ghi nhận ở châu Âu vào năm: “Mụn mủ bao bọc từ đầu đến đầu gối, từng mảng thịt rơi vữa trên mặt bệnh nhân, và dẫn đến tử vong trong vòng chưa đến 1 tháng sau”. (Jared Diamond)

Chẩn đoán bệnh giang mai:

  • Lâm sàng đặc trưng của bệnh giang mai.
  • Xét nghiệm huyết thanh: VDRL và TPHA.

Điều trị bệnh giang mai:

Giang mai giai đoạn I:

  • Benzathin penixilin G 2.400.000đv tiêm bắp sâu liều duy nhất, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000đv hoặc
  • Penixilin procaine G: tổng liều 15.000.000đv. Mỗi ngày tiêm 1.000.000đv, chia 2 sáng 500.000đv, chiều 500.000đv, hoặc
  • Benzyl penixilin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000đv. Ngày tiêm 1.000.000đv chia làm nhiều lần, cứ 2-3h tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000đv.

Giang mai giai đoạn II, tiềm ẩn, giang mai giai đoạn III:

  • Benzathin penixilin G, tổng liều 9.600.000đv, tiêm bắp sâu trong 4 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000đv, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000đv, hoặc
  • Penixilin procaine G: Tổng liều 30.000.000đv. Mỗi ngày tiêm 1.000.000đv, chia 2 lần, sáng 500.000đv, chiều 500.000đv, hoặc
  • Benzyl penixilin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000đv. Ngày tiêm 1.000.000đv chia làm nhiều lần, cứ 2 – 3h tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000đv.

Phác đồ thay thế:

  • Doxycycline 100mg 1 viên x 2 (uống)/ ngày trong 14 ngày.
  • Tetracycline 2g/ngày trong 15 ngày.
  • Erythromycin 2g/ngày trong 15 – 20 ngày (phụ nữ có thai).

3. Mụn rộp sinh dục do Herpes Simplex Virus (HSV)

Bệnh mụn rộp sinh dục là bệnh tình dục thường gặp ở các nước phát triển. Có 2 type HSV chính gây ra mụn rộp: HSV type 1 (mụn rộp ở môi, mặt, thân người…) và HSV type 2 (loại chính gây mụn rộp sinh dục).

Đa phần bệnh nhân bị mụn rộp sinh dục sẽ không có triệu chứng

Triệu chứng bệnh mụn rộp sinh dục:

  • Khởi đầu: Cảm giác ngứa, rát, đau ở vùng sắp nổi sang thương.
  • Sau 6 – 8h xuất hiện hồng ban rồi mọc mụn nước. Mụn nước xếp thành chùm, vỡ ra để lại vết loét trợt tròn hoặc đa cung.
  • Vết loét rất đau, có thể kèm sốt cao.
  • Thường có hạch vùng to và đau đi kèm.
  • Lành tự nhiên sau 2 – 3 tuần.
  • Nguy cơ tái phát thường xuyên.

Chẩn đoán bệnh mụn rộp sinh dục:

  • Xét nghiệm huyết thanh kháng virus HSV.
  • PCR HSV – DNA.
  • Miễn dịch huỳnh quang.

Điều trị bệnh mụn rộp sinh dục:

Mụn rộp sinh dục mới mắc có thể nhẹ hoặc gây ra bệnh cảnh lâm sàng kéo dài với các vết loét nặng ở bộ phận sinh dục và liên quan đến thần kinh. Vì vậy, tất cả những bệnh nhân bị mụn rộp sinh dục đợt đầu nên được điều trị bằng thuốc kháng virus.

  • Acyclovir 400 mg uống 3 lần/ngày trong 7–10 ngày.
  • Acyclovir 200 mg uống 5 lần/ngày trong 7-10 ngày.
  • Valacyclovir 1 g, uống 2 lần/ngày trong 7-10 ngày.
  • Famciclovir 250 mg, uống 3 lần/ngày trong 7-10 ngày.

*Lưu ý: Có thể kéo dài thời gian điều trị nếu sau 10 ngày điều trị vết thương không lành hoàn toàn.

4. Sùi mào gà

Sùi mào gà là bệnh xã hội phổ biến có tốc độ lây lan nhanh và rất dễ tái phát.

Bệnh sùi mào gà dễ tái phát nếu không điều trị đúng cách

Triệu chứng sùi mào gà:

  • Sẩn sùi ở vùng sinh dục – hậu môn, phát triển nhanh, lớn dần theo thời gian và có xu hướng lây lan ra xung quanh.
  • Sang thương sùi mào gà là các chồi thịt, có cuống, màu hồng hoặc màu đỏ sậm, sờ mềm, đôi khi lan rộng giống bông cải.

Chẩn đoán sùi mào gà:

  • Chủ yếu dựa vào lâm sàng: sang thương sùi mào gà đặc trưng.
  • HPV-DNA thực hiện PCR chuyên biệt cho type HPV.
  • Giải trình tự của gene E6 và E7 phân biệt type của các HPV. Độ nhạy phân tích của xét nghiệm khoảng 10-200 HPVcopies ở mỗi mẫu thử.
  • Tế bào học được thực hiện đơn thuần hay co-testing với HPV-DNA.

Điều trị sùi mào gà:

Mục tiêu điều trị: Loại bỏ hết sang thương, ngăn ngừa tái phát.

Một số mụn cóc có thể tự khỏi trong vòng 1 năm và do đó, một số bệnh nhân có ít sang thương có thể chọn theo dõi.

Thuốc bôi tại chỗ:

  • Imiquimod cream 3,75% bôi 1 lần/ngày trước khi đi ngủ trong tối đa 16 tuần; nên rửa sạch từ 6 đến 10 giờ sau khi bôi.
  • Imiquimod cream 5% thoa hàng ngày trước khi đi ngủ 3 lần/tuần cho đến 16 tuần; nên được rửa sạch từ 6 đến 10 giờ sau khi bôi.
  • Podofilox 0,5% dung dịch hoặc gel lên đến 0,5 mL / ngày, bôi 2 lần/ngày trong 3 ngày, sau đó không điều trị trong 4 ngày, tối đa bốn chu kỳ. Tổng diện tích mụn cóc không được vượt quá 10 cm2.
  • Sinecatechins 15% ba lần mỗi ngày trong tối đa 16 tuần. Không nên rửa sạch sau khi bôi.

Phương pháp áp lạnh như nitơ lỏng, gây ra sự phân giải tế bào. Lặp lại sau mỗi 1 đến 2 tuần. SMG lớn có thể cần gây tê cục bộ vì có thể gây đau.

Liệu pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Cắt bỏ trực tiếp bằng kéo.
  • Cắt bỏ theo phương pháp cạo tiếp tuyến.
  • Nạo sang thương.
  • Liệu pháp laser sử dụng laser CO2.
  • Đốt điện.

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline: 0902 353 353 hoặc nhắn tin trực tiếp qua fanpage: https://www.facebook.com/trungtamsuckhoenamgioi để được đội ngũ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn, chẩn đoán và đưa ra phương pháp xử lý và điều trị kịp thời, dứt điểm những căn bệnh khó nói nhé!

Xem thêm: CHI PHÍ XÉT NGHIỆM BỆNH XÃ HỘI (STDS) Ở TP.HCM BAO NHIÊU TIỀN?

Liên Hệ Ngay Để Được Tư Vấn :