Bệnh Thận Mạn & Nguy Cơ Bị COVID-19 Nặng Hơn
Theo các nghiên cứu cho thấy, COVID-19 ít và hầu như không ảnh hưởng lên người có sức khỏe tốt. Tỷ lệ gây ra biến chứng nặng ở nhóm này cũng rất thấp. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền thì lại khó hồi phục khi chẳng may nhiễm bệnh.
Trong những ca tử vong được công bố gần đây, tỷ lệ những trường hợp có bệnh thận mạn giai đoạn cuối là khá cao. Bởi vậy, nhiều người đặt ra nghi vấn: Phải chăng bệnh thận mạn làm cho diễn tiến bệnh nhân mắc COVID-19 ngày càng nặng hơn?
Cùng Thạc sĩ – Bác sĩ Đoàn Anh Sang – Bác sĩ tại Phòng khám Nam khoa Men’s Health đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.
Bệnh thận mạn là gì?
Theo ước tính, có khoảng 10 – 15% dân số trên thế giới mắc bệnh thận mạn. Đây là bệnh lý gây suy giảm chức năng thận, làm cho cấu trúc thận biến đổi xấu đi hoặc có bất thường trong nước tiểu như: albumin nước tiểu, cặn lắng nước tiểu bất thường. Nếu các tình trạng trên kéo dài trên 3 tháng và tác động đến sức khỏe của người bệnh thì được chẩn đoán là bệnh thận mạn.
Bệnh thận mạn có tăng nguy cơ nhiễm COVID không?
Bệnh thận mạn có thể làm cho người bệnh tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 cả trực tiếp và gián tiếp:
Trực tiếp: Bản thân người có bệnh thận mạn không làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ở những người chạy thận nhân tạo, suy thận mạn giai đoạn cuối, ghép thận thì hệ miễn dịch đã suy yếu. Khi đó, cơ thể dễ bị mắc COVID-19 hơn, thậm chí virus còn phát triển nhanh hơn so với người bình thường.
Gián tiếp: Những người bệnh thận đi lọc máu định kỳ cũng có nguy cơ lây nhiễm khá cao. Bởi môi trường tiếp xúc nhiều người tại nơi chạy thận.Một nghiên cứu đặc biệt về sự bùng phát dịch tại một đơn vị chạy thận nhân tạo đã được thực hiện. Từ đó các chuyên gia đánh giá những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 đối với người bệnh thận như:
– Thường xuyên đến bệnh viện (ví dụ: đi lọc máu).
– Sử dụng chung phương tiện di chuyển đến đơn vị lọc máu với người bệnh khác.
– Sống trong viện dưỡng lão.
– Nhập viện trong vòng hai tuần trước đó.
Bệnh thận mạn có khiến người nhiễm COVID-19 nặng hơn?
Tuy rằng COVID-19 là bệnh lý đường hô hấp, nhưng nó đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến thận. Một số người lớn khỏe mạnh khi mắc bệnh sẽ khiến chức năng thận giảm đột ngột, được gọi là suy thận cấp. Điều trị lọc máu là điều cần thiết đối với những trường hợp nghiêm trọng.
Đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân người bệnh thận bị COVID-19 nặng hơn, nhưng các yếu tố góp phần làm cho bệnh tình diễn tiến xấu đi có thể bao gồm:
– Hoại tử ống thận cấp tính
– Viêm vi thể ở hệ thống ống thận
– Tăng đông máu làm tắc nghẽn mạch máu ở thận
– Giảm oxy ở thận khi người bệnh rơi vào tình trạng tụt huyết áp hoặc sốc
Tất cả các yếu tố này gây nên tình trạng tổn thương thận cấp ở khoảng 30%-50% các trường hợp hồi sức tích cực, làm tăng tỉ lệ tử vong lên tới 40%-60% những người bệnh này.
Khi nhiễm COVID-19, người bị thận mạn dễ diễn tiến nặng hơn so với người bình thường. Bởi vì chức năng của thận vốn dĩ đã kém, khi bị virus tấn công bệnh dễ trở nặng hơn. Bệnh thận càng nặng thì nguy cơ nhập viện và tử vong tăng lên gấp nhiều lần.
Trường hợp người bệnh thận mạn còn có các bệnh nền khác như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì hay bệnh phổi mạn tính thì nguy cơ tử vong sẽ tăng đột biến.
Một nghiên cứu tại Anh, thống kê trên 3.285 người bệnh đi chạy thận nhân tạo cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 trên nhóm này gấp 21 lần so với người bình thường. Vài nghiên cứu khác cho thấy những người bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) mắc bệnh COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 11 lần so với những người không mắc bệnh thận.
Cách bảo vệ người bị bệnh thận với COVID-19
Những người bị bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng. Vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa để không bị nhiễm bệnh.
Dưới đây là một số cách có thể hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm COVID-19 người bệnh thận cần lưu ý:
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học và vận động phù hợp để tăng sức đề kháng.
– Tránh nơi đám đông và giữ khoảng cách 2m với những người xung quanh.
– Đeo khẩu trang chất lượng cao hoặc khẩu trang kép ở nơi công cộng.
– Thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước. Và mang theo nước rửa tay nhanh khi ra khỏi nhà, rửa tay sau khi chạm vào các vật dụng được nhiều người tiếp xúc.
– Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng trừ khi bạn vừa rửa tay.
– Vệ sinh những thứ bạn thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa, vỏ điện thoại và vô lăng của ô tô.
– Không ăn uống và nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào thùng rác y tế sau đó vệ sinh tay cẩn thận.
– Lọc máu xong về thẳng nhà, tắm với nước ấm và thay quần áo mới. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân lọc máu, tránh uống nước quá nhiều, tránh ăn trái cây giàu kali…
COVID-19 là mối đe dọa lớn của con người trên toàn cầu. Người bệnh thận nói riêng và những người có bệnh lý mạn tính nói chung cần phòng ngừa chặt chẽ. Điều đó sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, những người bệnh khác và nhân viên chăm sóc y tế khỏi nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Liên Hệ Ngay Để Được Tư Vấn :
- Địa chỉ: 7B/31 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
- Hotline: 0902 353 353 - (028)62 933 301
- Email: menhealth.vn@gmail.com
- Website: https://menhealth.vn
- Nguồn: https://trungtamnamkhoa.com/benh-than-man-nguy-co-bi-covid-19-nang-hon.html