Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh: Nguyên Nhân, Triệu Chứng | Các Cấp Độ
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những mối nguy hại lớn nhất cho khả năng sinh sản của phái mạnh, gặp ở 40% đàn ông được chẩn đoán vô sinh. Chỉ điều này thôi đã đủ nói lên mức độ cấp bách của việc phải hiểu cơ bản về bệnh để sớm phát hiện, sớm điều trị.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?
Tình trạng này xuất phát từ việc hệ thống van tĩnh mạch tinh hoàn bị suy yếu. Vậy nên thay vì máu nghèo oxy được đưa từ tinh hoàn về tĩnh mạch chung, đi trao đổi khí thì lại ứ đọng ở tinh hoàn, làm cho tĩnh mạch thừng tinh bị giãn rộng. Sự ứ máu này khiến nhiệt độ trong bìu tăng lên, làm tinh trùng bị hủy hoại. Bệnh gặp thường gặp ở tinh hoàn bên trái là chủ yếu chiếm 90%, bên phải có triệu chứng trước khoảng 10% hoặc đôi khi cả hai bên.
Nguyên nhân nào khiến cho van tĩnh mạch tinh suy yếu vẫn chưa được làm rõ. Có nhiều nhà khoa học đưa ra các yếu tố nguy cơ như: tăng áp lực ổ bụng do khối u, vị trí đổ của tĩnh mạch tinh hoàn vào tĩnh mạch thận trái hay tĩnh mạch chủ bụng không bình thường, suy van tĩnh mạch…
Dấu hiệu giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giai đoạn đầu của bệnh rất ít khi có triệu chứng rõ ràng nên các quý ông thường không phát hiện ra. Chỉ có một số trường hợp vô tình được chẩn đoán khi đi khám vô sinh hoặc xét nghiệm tiền hôn nhân.
Khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, nam giới bị đau tức trong bìu, cơn đau nặng hơn khi đứng hoặc vận động. Nặng hơn nữa, bệnh nhân đau cả khi đã nằm nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, một bên bị giãn có thể sưng hoặc sa xuống thấy rõ, thậm chí có thể sờ hay nhìn thấy bằng mắt thường được các búi tĩnh mạch bùng nhùng trong bìu.
Trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng có thẻ gây teo tinh hoàn(giảm trên 20% thể tích tinh hoàn).
Có mấy cấp độ giãn tĩnh mạch thừng tinh?
Trên hình ảnh siêu âm, chỉ cần tĩnh mạch tinh có đường kính trên 2.5mm sẽ kết luận là giãn. Ngoài siêu âm, một số trường hợp cần làm thêm nghiệm pháp Valsalva để đánh giá chính xác hơn.
Tùy theo mức độ phát triển của triệu chứng, kết quả nghiệm pháp Valsalva và hình ảnh siêu âm Doppler, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia thành 5 cấp độ. Hiện có 2 thang phân loại là:
Theo Dubin (năm 1970)
- Cấp độ 0: không có triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi chụp mạch máu, siêu âm hoặc thông qua biện pháp chẩn đoán khác
- Cấp độ 1: sau khi làm nghiệm pháp Valsalva, có thể sờ thấy búi giãn tĩnh mạch
- Cấp độ 2: người bệnh chỉ cần đứng thẳng là đã sờ thấy búi giãn
- Cấp độ 3: nhìn thấy búi giãn khi đứng thẳng
- Cấp độ 4: dù trong tư thế nào, đứng hay nằm, đều nhìn thấy tĩnh mạch bị giãn nổi rõ dưới da bìu.
Theo Sarteschi: cũng chia thành 5 cấp độ. Phần lớn bác sĩ đang sử dụng thang phân loại này.
- Độ 1. Valsalva: Đoạn tĩnh mạch trong bìu không giãn, có sự trào ngược dòng máu ở đoạn tĩnh mạch thừng tinh trong ống bẹn
- Độ 2. Valsalva: Tĩnh mạch không giãn khi nằm, chỉ giãn khi đứng và có dòng trào ngược ở cực trên tinh hoàn
- Độ 3. Valsalva: Như cấp độ 2 nhưng có thêm dòng trào ngược lan tỏa xuống cực dưới tinh hoàn
- Độ 4. Valsalva: Tư thế nằm có giãn và có trào ngược
- Độ 5. Giãn, có trào ngược cả khi không làm Valsalva.
Giãn tĩnh mạch tinh có nguy hiểm không?
Các búi tĩnh mạch bị giãn làm nhiệt độ bìu tăng lên, đồng thời tăng áp lực cho tinh hoàn nên sẽ ảnh hưởng tới chức năng của cơ quan này. Trong đó điển hình nhất là sản xuất tinh trùng và tổng hợp nội tiết tố testosterone.
Vì vậy, ngoài giảm trực tiếp khả năng thụ thai, giãn tĩnh mạch tinh còn gây rối loạn chức năng tình dục như ham muốn giảm, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, tăng mỡ giảm cơ… do thiếu hụt testosterone. Đó là chưa kể cảm giác đau đớn và khó chịu khiến nam giới mất ngủ, lo lắng, tác động tiêu cực tới công việc cũng như cuộc sống.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh phổ biến
Thông thường với cấp độ 1 và 2 vẫn chưa cần điều trị mà chỉ theo dõi. Thuốc cũng có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân trong giai đoạn này giảm triệu chứng và trì hoãn sự phát triển của bệnh.
Phương pháp kinh điển đối với giãn tĩnh mạch thừng tinh trung bình đến nặng là phẫu thuật để thắt tĩnh mạch tinh hoàn. Hiện có 3 kỹ thuật như sau:
- Mổ hở: rạch một đường ở bẹn bìu để bộc lộ tĩnh mạch tinh, sau đó tìm tĩnh mạch giãn và thắt. Hiện nay, mổ hở có sự trợ giúp của kính vi phẫu đang được ưa chuộng nhờ có thể phóng to, thấy được các tĩnh mạch giúp tìm đúng mạch bị giãn và xử lý chúng. Điều này tránh được việc thắt nhầm động mạch tinh hoàn, mạch bạch huyết hay ống dẫn tinh; hạn chế biến chứng teo tinh hoàn và tràn dịch tinh mạc.
- Mổ nội soi: đưa thiết bị nội soi vào tĩnh mạch chủ bụng, sau đó qua tĩnh mạch thận để đến tĩnh mạch tinh và thắt mạch bị giãn. Phương pháp này cũng được ưa chuộng ở nhiều bệnh viện vì ít chảy máu, thời gian phẫu thuật nhanh, bệnh nhân mau hồi phục sau mổ. Tuy nhiên, chi phí mổ nội soi cao hơn khá nhiều so với mổ truyền thống.
- Thuyên tắc mạch qua da: luồn kim tiêm mang thuốc từ tĩnh mạch đùi qua tĩnh mạch chung rồi xuống tĩnh mạch thận, sau đó bơm thuốc tắc mạch từ trên cao xuống
Hầu hết các ca phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh đều giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và tăng đáng kể khả năng có con tự nhiên. Thế nhưng người bệnh phải điều trị sớm, tránh tổn thương tối đa cho tinh hoàn.
Liên Hệ Ngay Để Được Tư Vấn :
- Địa chỉ: 7B/31 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
- Hotline: 0902 353 353 - (028)62 933 301
- Email: menhealth.vn@gmail.com
- Website: https://menhealth.vn
- Nguồn: https://trungtamnamkhoa.com/gian-tinh-mach-thung-tinh-la-gi.html