Những Biểu Hiện Của Bệnh Lý Giãn Tĩnh Mạch Tinh
Giãn tĩnh mạch tinh hay Giãn tĩnh mạch thừng tinh có liên quan mật thiết tới môi trường và thói quen sinh hoạt của người bệnh. Cần đi khám sớm nếu nhận thấy các dấu hiệu lạ ở bìu.
Giãn tĩnh mạch tinh (Giãn tĩnh mạch thừng tinh) là gì?
Ở nam giới, tinh hoàn có 2 nhiệm vụ chính: sản xuất nội tiết tố nam (testosterone) và sản xuất tinh trùng giúp duy trì nòi giống. Hai tinh hoàn được treo cố định vào bìu nhờ một cấu trúc mang tên là thừng tinh. Thừng tinh là một cấu trúc hỗn hợp gồm có: Ống dẫn tinh giúp vận chuyển tinh trùng từ nơi dự trữ là mào tinh ra ngoài và hệ thống động mạch và tĩnh mạch.
Trong quá trình hoạt động, động mạch sẽ làm nhiệm vụ đưa máu giàu dinh dưỡng và oxy đến để nuôi dưỡng tinh hoàn. Sau khi sử dụng xong, máu trong tinh hoàn sẽ hồi lưu về tim nhờ vào hệ thống tĩnh mạch. Khi có sự giãn nở của hệ thống tĩnh mạch này lâu ngày, tình trạng ứ máu xuất hiện, y văn gọi với tên chính xác là “Giãn tĩnh mạch tinh” nhưng đa số mọi người vẫn quen thuộc với cách gọi là “Giãn tĩnh mạch thừng tinh“.
*Ở đây, tác giả sử dụng linh hoạt cả hai cụm.
Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh?
Khi chúng ta đứng, tinh hoàn nằm thấp hơn tim, khi đó máu ở tinh hoàn về tim là một cuộc hành trình đi ngược chiều trọng lực. Khi đó, cơ thể chúng ta giải quyết khó khăn này bằng việc hình thành hệ thống van bên trong tĩnh mạch. Hệ thống này giúp máu di chuyển theo một chiều về tim mà không bị chảy ngược trở lại.
Ở những người mắc phải tình trạng Giãn tĩnh mạch thừng tinh, hệ thống van tĩnh mạch này bị mất đi khả năng hoạt động. Từ đó gây ra hiện tượng ứ đọng máu ở tĩnh mạch.
Nguyên nhân vì sao lại có tình trạng suy giảm chức năng của hệ thống van cho đến nay vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, một số yếu tố môi trường và thói quen sinh hoạt lại làm cho giãn tĩnh mạch thừng tinh xuất hiện sớm và nặng hơn.
Triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh
Hầu hết, các trường hợp mắc bệnh này đều không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nam giới thường đi khám khi:
- có cảm giác khó chịu, nặng tức và đau ở bìu
- dưới bìu xuất hiện búi lạ, giống như giun trĩ
- đau khi đứng hoặc ngồi lâu, làm việc, mang vác đồ nặng
- cơn đau trở nặng vào chiều tối và thường hết vào sáng hôm sau
- kích thước một bên tinh hoàn một bên (thường là bên trái) nhỏ hơn bên còn lại
Mức độ đau tức tinh hoàn đôi khi cũng là dấu hiệu gợi ý cho chúng ta về mức độ giãn tĩnh mạch tinh mà người bệnh đang mắc phải.
Giãn tĩnh mạch tinh thường có 3 cấp độ:
- Độ 1: Giãn tĩnh mạch tinh chỉ sờ thấy khi làm nghiệm pháp hít sâu vào, phình bụng lên và nín thở.
- Độ 2: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy khi bệnh nhân ở tư thế đứng
- Độ 3: Giãn tĩnh mạch tinh nhìn thấy dưới da bìu và sờ thấy ngay cả khi bệnh nhân đứng bình thường.
Ví dụ:
- Những trường hợp giãn tĩnh mạch tinh khu trú hay thoáng qua (cấp độ 1), người bệnh thường có biểu hiện đau tức nhẹ hoặc cảm giác tê tê vùng da bìu. Đôi khi còn bắt gặp triệu chứng: nặng tinh hoàn xuất hiện khi cương và sau khi xuất tinh.
- Giãn tĩnh mạch tinh giai đoạn rõ, nam giới thường có biểu hiện nặng tức, đau âm ỉ liên tục vùng bìu. Đặc biệt sau một ngày vận động nhiều, đứng hoặc ngồi lâu thì triệu chứng sẽ càng rõ. Nhưng tình trạng đau này thường biến mất sau một giấc ngủ.
- Một số trường hợp đi kiểm tra sức khỏe sinh sản thì phát hiện tinh trùng bị thiểu nhược nặng. Trong quá trình thăm khám và tầm soát tìm nguyên nhân gây tình trạng trên thì lại phát hiện người bệnh bị giãn tĩnh mạch tinh cấp độ 3.
- Hiếm gặp hơn là trường hợp người bệnh đi khám vì thấy tinh hoàn xệ một bên hoặc cả 2 bên.
Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh
Để chẩn đoán sớm và chính xác bệnh, việc đầu tiên bác sĩ cần làm là hỏi về những triệu chứng mà người bệnh gặp phải và diễn tiến của những triệu chứng đó trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, sử dụng siêu âm màu sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin trong việc thiết lập chẩn đoán. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp siêu âm vẫn cho kết quả không đúng dù khám thấy giãn tĩnh mạch tinh rất rõ.
Khi đã được xác định có tình trạng giãn tĩnh mạch tinh, người bệnh cần làm thêm một vài xét nghiệm chuyên sâu, cụ thể là:
- Đo nồng độ nội tiết tố nam trong máu
- Xét nghiệm tinh dịch đồ
Kết quả từ hai xét nghiệm này sẽ cho thấy được mức độ tổn thương tinh hoàn do bệnh gây ra. Khi đó, việc điều trị sẽ chính xác hơn.
5 Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất
Bác sĩ Võ Duy Tâm-Trung tâm sức khỏe Nam giới Men’s Health cho biết, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh bao gồm:
- Nhóm nam giới ngồi lâu: như lái xe, nhân viên IT, và đặc biệt là giới văn phòng. Khi mà số lượng người làm văn phòng ngày càng tăng thì tình trạng giãn tĩnh mạch tinh ở nam giới cũng có xu hướng tăng theo. Do khi ngồi lâu, máu sẽ dồn xuống vùng bìu theo xu hướng của trọng lực. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm bệnh sớm xuất hiện.
- Nhóm nam giới phải đứng lâu: quân nhân, giáo viên, nhân viên bán hàng,… Cơ chế gây bệnh cũng tương tự như nhóm nhân viên ngồi lâu, đều là sự tích tự máu ở bìu trong một thời gian dài, góp phần làm mất chức năng của hệ thông van tĩnh mạch.
- Nhóm nam giới thường xuyên vận động nặng: đặc biệt là gồng cơ bụng nhiều sẽ làm cho áp lực trong ổ bụng tăng cao, khi đó khả năng dẫn máu từ tinh hoàn về các tĩnh mạch trong vùng bụng cũng sẽ gặp khó khăn.
- Ngoài ra, những trường hợp dinh dưỡng kém hoặc khẩu phần ăn thiếu trái cây,… sẽ làm cơ thể thiểu hụt nguồn cung cấp vitamin E. Từ đó làm giảm đáng kể tính bền vững của mạch máu.
- Hiếm gặp hơn là trường hợp những người bệnh có tiền căn táo báo kéo dài, hoặc ho kéo dài do bệnh đường hô hấp. Những bệnh này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh vì cơ chế tương tự như những người gồng bụng nhiều, đều gây tăng áp lực trong khoang ổ bụng.
Biến chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh
Trước khi trả lời câu hỏi này có thể chúng ta nên hiểu rõ: “Vì sao tinh hoàn không nằm trong ổ bụng cho an toàn mà lại nằm ra bên ngoài?”.
Hầu hết động vật có vú đều có tinh hoàn nằm ngoài cơ thể vì tinh hoàn cần nhiệt độ thấp hơn có thể từ 1-2 độ C để duy trì hoạt động sản xuất tinh trùng và nội tiết tố ổn định. Vì vậy, khi có hiện tượng ứ đọng máu ở bìu sẽ làm cho khả năng thoát nhiệt của bìu giảm đi đáng kể. Từ đó, gây nên tình trạng suy giảm khả năng sản xuất tinh trùng và nội tiết tố nam trong cơ thể.
Bên cạnh đó, khi máu tĩnh mạch bị ứ đọng không hồi lưu được thì nó vô tình lại ngăn cản lượng máu đến để nuôi tinh hoàn. Xét về lâu dài, nếu tình trạng máu giàu dinh dưỡng và oxy từ động mạch không đến nuôi các tế bào bên trong tinh hoàn thì điều tất yếu là các tế bào này sẽ chết đi và biểu hiện ra bên ngoài là kích thước tinh hoàn giảm và mềm đi.
Có thể bạn quan tâm:
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Trước khi điều trị bệnh, bác sĩ điều trị cần đánh giá được 3 yếu tố:
- Mức độ giãn khi thăm khám
- Triệu chứng hiện tại của người bệnh
- Mức độ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Từ những thông tin có được từ việc đánh giá 3 yếu tố trên, bác sĩ sẽ đưa ra phát đồ điều trị phù hợp với người bênh. Cụ thể là:
- Đối với trường hợp giãn nhẹ, người bệnh không có biểu hiện triệu chứng và chất lượng tinh trùng không bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ: thì có thể chưa cần điều trị nhưng trước tiên nên hướng dẫn người bệnh thay đổi thói quen và lối sống.
- Trong khi người bệnh chỉ có giãn tĩnh mạch tinh ở mức độ nhẹ nhưng có triệu chứng đau bìu hoặc có giảm chất lượng tinh trùng nhưng ở mức độ nhẹ: việc sử dụng thuốc uống mỗi ngày sẽ giúp cái thiện hồi lưu của mạch máu và giúp mạch máu co dần. Ngoài ra, việc kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống dưới sự theo dõi định kì hàng tháng của bác sĩ sẽ giúp cho tình trạng bệnh cải thiện tốt hơn.
- Nếu người bệnh đã điều trị 6 tháng rồi nhưng triệu chứng đau vẫn không cải thiện hoặc chất lượng tinh trùng không cải thiện hoặc người bệnh có tình trạng thiểu nhược tinh nặng khi mới phát hiện hoặc giãn tĩnh mạch tinh độ 3 có dấu hiệu tinh hoàn teo nhỏ. Những trường hợp này gần như là có chỉ định phẫu thuật. Cho đến hiện tại, sử dụng phẫu thuật bằng phương pháp vi phẫu cột tĩnh mạch tinh được xem là tối ưu nhất.
Xem thêm bài viết từ chuyên gia đầu ngành:
ĐIỀU TRỊ GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH Ở NAM GIỚI – LỜI KHUYÊN BÁC SĨ
Ngoài điều trị thuốc, bệnh nhân cần thay đổi gì trong lối sống?
Giãn tĩnh mạch tinh chủ yếu xảy ra ở những người có thói quen sinh hoạt hoặc nghề nghiệp phải đứng lâu hoặc ngồi lâu. Vì vậy, để máu không bị ứ đọng ở tinh hoàn, thì người bệnh trong quá trình đều trị cũng nên thay đổi những thói quen như: hạn chế đứng lâu hoặc ngồi quá lâu trên 1 giờ, nên đi lại sau mỗi 30 phút, 1 giờ làm việc liên tục…
Khi mắc bệnh, khả năng thoát nhiệt của bìu đã rất kém, ban nên mặc những quần áo thoáng mát, đặc biệt quần lót cần mỏng, thoải mái và thoáng mát.
Ngoài ra, dành 30 phút buổi trưa và chiều tối sau khi đi làm về để nằm nghỉ. Việc nằm nghỉ không chỉ giúp bạn thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng mà khi nằm còn giúp cho việc hồi lưu máu ở bìu dễ dàng hơn.
Hơn nữa, cần hạn chế những tác động làm tăng áp lực ở bụng như: tập gym quá sức, lao động nặng,… và điều trị tốt các bệnh làm tăng áp lực ổ bụng như: ho kéo dài hoặc táo bón kéo dài thì triệu chứng của người bệnh sẽ sớm cải thiện hơn.
Bài viết liên quan:
ĐỪNG ĐỂ ‘ĐẠN LÉP’ CHỈ VÌ BỊ GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch thừng tinh
Việc phòng ngừa chủ yếu làm giảm tối đa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Nam giới nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tránh lối sống tĩnh tại, ngồi một chỗ quá lâu. Nếu không may nghề nghiệp buộc bạn phải đứng lâu hoặc ngồi lâu thì bạn nên thay đổi tư thế, di chuyển qua lại và tốt hơn thì nên nằm nghỉ từ 5-10 phút sau đó tiếp tục công việc.
Việc thay đổi chức năng của các van tĩnh mạch thực sự là rất khó, vì một phần nó được quy định bởi gen. Tuy nhiên, việc ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt việc bổ sung vitamin E sẽ giúp thành mạch vững chắc và sẽ giúp phòng ngừa phần nào nguy cơ này. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều chất xơ giúp việc đi ngoài dễ hơn sẽ làm giảm nguy cơ tăng áp lực ổ bụng kéo dài.
Ngoài ra, một khi có dấu hiệu gợi ý như đau tình thoáng qua thì người bệnh nên đến khám và tầm soát sớm để hạn chế tình trạng bệnh càng ngày càng nặng.
Liên Hệ Ngay Để Được Tư Vấn :
- Địa chỉ: 7B/31 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
- Hotline: 0902 353 353 - (028)62 933 301
- Email: menhealth.vn@gmail.com
- Website: https://menhealth.vn
- Nguồn: https://trungtamnamkhoa.com/gian-tinh-mach-thung-tinh.html